Rác thải thường được gắn với những hình ảnh xấu xí, không mấy đẹp đẽ, nhưng trên khắp thế giới, những người nghệ sĩ đã đem đến cho chúng ta một góc nhìn hoàn toàn khác về chúng. Những tác phẩm nghệ thuật làm từ chính những đồ vật bị con người ruồng bỏ giờ đây được lột xác và truyền cảm hứng tích cực vì môi trường đến cộng đồng.
1.16 tác phẩm nghệ thuật tại nơi tập kết rác thải bãi sông Hồng – Hà Nội, Việt Nam (2020)
Một đoạn đường ven sông Hồng gần chợ Long Biên vốn là nơi tập kết rác, nay nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ biến nơi này thành không gian văn hóa nghệ thuật vô cùng độc đáo từ chai nhựa, mảnh gương gỡ, rác thải nhựa.

Nghệ sĩ Thế Sơn, giám tuyển nghệ thuật của dự án, cho biết dự án lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long – Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên, gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Các nghệ sĩ đã lựa chọn những chất liệu sao cho phù hợp với đặc điểm khí hậu, không gian ven sông như chịu được sức gió lớn, thời tiết nắng mưa… Bên cạnh đó, những chất liệu có độ bền cao như sắt, thép, xi măng, vật liệu tái chế cũng được nhóm nghệ sĩ tỉ mỉ phủ lên một lớp sơn để hạn chế bạc màu, bong tróc, kéo dài độ bền từ 3 – 5 năm.
2. Hành tinh nhựa – Texas, Mỹ

Calder Amin, một nghệ sĩ thị giác đến từ bang Texas, Mỹ, đã tạo ra những bức tượng động vật tinh xảo bằng cách dùng tay xé nhỏ những chiếc túi ni lông và xoắn thành sợi. Cô Kamin chia sẻ về vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa: “Con người tận dụng thiên nhiên để khiến cho cuộc sống của chúng ta thêm tiện lợi, và hậu quả là để lại một đống hỗn độn cho thế hệ sau. Và chúng ta phải làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này?”
3. Tác phẩm mô phỏng cá voi tạo nên từ 5 tấn rác thải – Brooklyn, Mỹ (2018)
Studiokca – Một công ty thiết kế và kiến trục tại Brooklyn đã thu gom 5 tấn rác thải trôi nổi trên bề mặt biển Thái Bình Dương để tạo nên tác phẩm nghệ thuật cao 4 tầng mô phỏng hình cá voi nổi lên trên kênh đào ở thành phố Bruges – Bỉ. Chú cá voi “vĩ đại” này giúp tận dụng được một phần trong 150 triệu tấn rác thải nhựa còn lại cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh tập thể trên hành trình bảo vệ môi trường.

Về quyết định tạo nên hình tượng cá voi từ rác thải, đại diện Studiokca chia sẻ: “Một con cá voi khi nhảy ra khỏi mặt nước tương đồng với hình ảnh “tòa nhà cao tầng ở trên biển”. Hơn nữa cá voi là loài động vật có vú lớn nhất ở trên đại dương, nên chúng tôi cảm thấy tầm vóc của nó rất phù hợp để miêu tả cái tầm vóc và sức nặng của những vấn đề môi trường.”
4. Bức tranh nghệ thuật “ám ảnh” về ô nhiễm nhựa – Anh
Một nhiếp ảnh gia tên Mandy Baker trong chuyến đi đến vùng biển nước Anh đã sửng sốt khi thấy bãi biển nơi cô thường thu thập các vỏ sò khi còn nhỏ, nay đã ngập ngụa trong đống rác thải mà con người tạo ra. Vì vậy cô quyết định thu thập từng mẩu rác nhựa trên biển và chụp chúng trên nền trơn, kết quả một lần nữa khiến cô phải ngạc nhiên.

Phát hiện tình cờ trong chuyến đi đó đã giúp Mandy tạo thêm nhiều chiến dịch phản ánh sự xâm chiếm của nhựa ở khắp mọi nơi và sự lan rộng của nó. Ví dụ như những hộp mực trong máy in thuộc về con thuyền đi trên Đại Tây Dương lại có thể xuất hiện rải rác trên những bãi biển từ Bắc Phi đến Na Uy. Hay nắp chai nhựa từ hàng triệu chiếc vỏ chai được sản xuất hàng năm lại có mặt trên biển, cả trong loài chim và mọi nơi trên thế giới.

Cô hợp tác với những nhà khoa học nghiên cứu về đại dương để thực hiện những chiến dịch này. Mandy chia sẻ: “Những bức ảnh tuy tĩnh lặng nhưng tạo ra sự ấn tượng thị giác.” Và chúng truyền tải những tác động của nhựa lên môi trường mà không bản nghiên cứu số liệu bằng giấy có thể làm được. Cô cũng nhận thấy thực tại rằng không một nơi nào trên thế giới không có sự xâm chiến của rác thải nhựa “từ cực Bắc Nam đến xích đạo, từ bề mặt biển đến thềm lục địa”. Và Mandy muốn mọi người nhận ra điều đó khi xem những tác phẩm của cô.
5. Tranh bích họa từ vỏ chai nhựa – Venezuela (2020)
Oscar Olivares, chàng trai 23 tuổi đến từ Venezuela đã thu hút sự quan tâm của truyền thông khi hợp tác với tổ chức môi trường Movement in Architecture for the Future để tạo ra bức tranh tường khổng lồ làm từ nắp vỏ chai.

Bức bích họa mất gần 3 tháng để hoàn thành với nhiều công đoạn: cả đội bước đầu tạo một lớp keo dính trên tường, đặt khung, thu thập các nắp chai từ mọi nơi, rửa chúng, đính một loạt các nắp chai lên tường và cuối cùng là phủ lớp sơn bòng để bảo vệ. Tác phẩm được hoàn thành với chiều dài 45m và điểm cao nhất đạt được là 7.5m.

Nội dung những bức tranh mô tả đa dạng từ các chú vẹt đuôi dài đầy màu sắc đến những bông hướng dương, các ngọn núi từ công viên quốc gia El Ávila hay các tòa nhà đặt giữa cánh đồng xanh dưới bầu trời đầy sao,…